Thân thế và sự nghiệp Ngô Nhân Tịnh

Ông là người Minh Hương, quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc). Khi nhà Minh bị nhà Thanh đánh đổ, tiên tổ ông lánh sang Gia Định lập nghiệp, và đến năm Tân Tỵ (1761), thì ông ra đời tại đây.

Lúc thiếu thời, ông theo học với thầy Võ Trường Toản ở làng Hòa Hưng (Gia Định), và là đồng môn với Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng ChâuTổ Tông Viên Quang (về sau là Sơ tổ chùa Giác Lâm)...[1]

Dốc sức vì nhà Nguyễn

Không rõ năm Ngô Nhân Tịnh ra giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820), chỉ biết ở trong khoảng những năm đầu dựng nghiệp và ông được lãnh chức Thị độc Viện hàn lâm.

Tháng 6 âm lịch năm Mậu Ngọ (1798), ông làm Hữu tham tri Bộ Binh, được chúa Nguyễn Ánh cử theo thuyền buôn Trung Quốc sang Quảng Đông để trình quốc thư cho nhà Thanh, với mục đích hợp tác đánh Tây Sơn và dò xét tin tức của vua Lê Chiêu Thống. Tuy nhiên khi đến Quảng Đông, ông nghe tin vua Lê đã mất nên trở về[2].

Năm Canh Thân (1800), ông theo hộ giá chúa Nguyễn đi cứu viện Quy Nhơn.

Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, ông được phong làm Giáp Phó sứ theo Chánh sứ Trịnh Hoài Đức và Phó sứ Hoàng Ngọc Uẩn sang Trung Quốc lần hai, để trình quốc thư và nộp trả ấn sách mà nhà Thanh đã phong cho nhà Tây Sơn. Đồng thời, đoàn sứ thần cũng giải theo các cướp biển Tề Ngôi là Mạc Quang Phù, Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài (những cướp biển từng hợp tác với Tây Sơn) giao cho nhà Thanh[3]. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, ông trở về đảm nhiệm chức vụ cũ.

Năm Đinh Mão (1807), ông được sung làm Chánh sứ cùng với Phó sứ Trần Công Đàn sang Chân Lạp (Campuchia), đem sắc ấn đến thành La Bích phong Nặc Chăn làm Cao Miên quốc vương.

Năm Tân Mùi (1811), Gia Long năm thứ 10, ông ra làm Hiệp Trấn Nghệ An. Ông làm quan thanh liêm, mẫu mực, không dung túng kẻ tham lam, hết lòng lo cho dân. Khi đời sống của người dân gặp khó khăn, ông dâng sớ về kinh xin hoãn nộp thuế, đều được vua Gia Long chuẩn y. Cũng trong thời gian này ông cùng Đốc Học Nghệ AnBùi Dương Lịch soạn ra tập Nghệ An Phong Thổ Ký.

Năm Nhâm Thân (1812), ông được thăng làm Thượng thư bộ Công kiêm Hiệp Hành Tổng Trấn Gia Định và được phong chức Tinh Viễn hầu.

Năm Quý Dậu (1813), ông cùng Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt (1764-1832) đem hơn 13.000 quân binh hộ tống Quốc vương Nặc Chăn về nước Chân Lạp[4]. Cùng năm này, sau khi đi hội đàm cùng Xiêm La (Thái Lan) bàn việc Chân Lạp, ông bị người cùng triều vu tội tham ô, ăn của đút lót của Chân Lạp và Xiêm La. Tổng trấn Lê Văn Duyệt tin thực đem việc ấy tâu lên, vua Gia Long cho không thực, bỏ đi, không quở trách gì, nhưng từ đó vua có ý không tin dùng nữa.

Cũng từ đó lòng của Ngô Nhân Tịnh sầu não không được yên và cũng không thể nào giãi bày được sự trong sạch của mình. Ông thường than thở: "Vẽ rắn thêm chân, ai khiến cho ta mang cái oan không giải tỏ được ư?"[5]. Cuối đời, ông sống ẩn dật và mất tại Gia Định vào mùa đông năm ấy (1813).

Sau khi mất, ông được đặt tên thụy là Túc Giản, và được an táng tại làng Chí Hòa, tổng Dương Hòa thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, thành Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Theo sách Từ điển văn học (bộ mới), thì lúc bấy giờ Trịnh Hoài Đức có tâu xin được truy tặng cho ông, nhưng vua Gia Long không cho. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), cấp phu coi mộ ông. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông mới được phụ thờ vào miếu Trung hưng công thần ở Huế[6].